Điều hòa được xem là trang bị tiện ích không thể thiếu giúp người lái điều chỉnh nhiệt độ trong khoang nội thất ô tô. Tuy nhiên, khi nào nên bật/tắt điều hòa để không làm ảnh hưởng xấu đến nguồn điện của xe hay điều chỉnh các mức nhiệt độ, quạt gió ra sao cho phù hợp… Đều là những kỹ năng liên quan đến việc sử dụng hệ thống điều hòa mà không phải lái xe nào cũng biết rõ.
Mở cửa xe vài lần trước khi bật điều hòa
Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong khoang nội thất ô tô thường cao hơn bên ngoài. Để giảm tải cho hệ thống làm lạnh và bảo vệ sức khỏe người dùng xe hơi. Người dùng nên thực hiện theo các bước sau đây:
- Giảm bớt nhiệt độ trong xe, bằng cách đóng mở cửa nhiều lần
- Hạ cửa kính cho không khí bên ngoài tràn vào khoang nội thất
- Khởi động xe, bật quạt gió ở mức cao để thổi hết hơi nóng ra ngoài trong khoảng 3 – 5 phút. S
- Sau khi xe vận hành khoảng vài phút, lúc này mới đóng cửa kính, nhấn nút A/C bật điều hòa.
Làm theo cách này sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống làm mát, cũng là cách để cơ thể dần thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ giữa 2 môi trường trong và ngoài xe.
Điều chỉnh nhiệt độ, mức quạt gió phù hợp
Sau khi đã bật hệ thống điều hòa, người dùng nên từng bước điều độ làm mát phù hợp với cơ thể, đồng thời giảm dần tốc độ quạt gió. Việc thay đổi tốc độ quạt gió lúc này chỉ làm tiêu tốn điện năng chứ không ảnh hưởng nhiều đến tiêu hao nhiên liệu.
Không nên để ngay điều hòa ở mức lạnh cao nhất sau khi bật điều hòa. Nếu làm như vậy sẽ khiến dàn lạnh hoạt động quá sức. Ngoài ra, nếu nhiệt độ trong xe quá chênh với bên ngoài, điều hòa phải hoạt động hết công suất để làm mát dẫn tới tiêu tốn nhiên liệu và nguy cơ gây hư hỏng cho hệ thống điều hòa.
Chọn chế độ lấy gió
Hệ thống điều hòa trên ô tô hiện nay thường có 2 chế độ lấy gió ngoài và lấy gió trong. Tuy nhiên, khi nào sử dụng chế độ lấy gió trong và trong những điều kiện nào nên lấy gió ngoài thì không phải lái xe nào cũng thành thạo.
Theo các chuyên gia kỹ thuật, người dùng nên để chế độ lấy gió trong sau khi bật nút A/C để đảm bảo hiệu quả làm mát nhanh hơn. Tuy nhiên, trong những hành trình dài, lái xe liên tục, lượng oxy trong khoang nội thất sẽ không đảm bảo có thể gây choáng, mệt mỏi cho người ngồi trong xe. Vì vậy, khi qua những khu vực có không khí trong lành, ít khói bụi người dùng nên để chế độ lấy gió ngoài để đảm bảo lượng oxy trong xe.
Bên cạnh đó, khi đi lái xe trong điều kiện trời mưa nên chuyển sang chế độ lấy gió trong để tránh việc không khí ẩm vào cabin có thể gây ẩm mốc.
Hiểu rõ những “bệnh” thường gặp của điều hòa để xử lý
Khi điều hòa kém mát, nguyên nhân thứ nhất có thể là nhiệt độ của giàn lạnh không đạt được mức tối ưu và thứ hai là do lượng gió thổi qua giàn lạnh không đủ, không kịp với sự tăng của nhiệt độ không khí trong xe.
Điều hòa lúc đầu mát, sau không mát : Đây là hiện tượng phổ biến trên những chiếc xe đã nhiều năm sử dụng; nguyên nhân là do giàn nóng điều hòa bám nhiều bụi bẩn và không được làm mát tốt nên lúc mới bật AC thì mát, nhưng sau đó lại kém. Ngoài ra, quạt làm mát bị hư hỏng cũng có thể là nguyên nhân.
Việc đóng/ngắt điều hòa xe hơi: được điều khiển bởi các cảm biến và công tắc. Nguyên nhân thường gặp với sự cố này là do áp suất gas trong hệ thống vượt quá mức khuyến cáo. Khi phát hiện áp suất không bình thường trong chu trình làm lạnh, hệ thống cảm biến sẽ ngắt ly hợp lốc lạnh để bảo vệ các bộ phận trong hệ thống.